Phát triển kinh tế số và kinh tế sáng tạo, cách tiếp cận phát triển nguồn nhân lực thông qua sáng tạo và công nghệ từ thế hệ trẻ

Ngày 27/07/2022, Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế phối hợp với chương trình Aus4Skills (quỹ hỗ trợ cựu sinh AAGF) tổ chức cuộc trò chuyện về chủ đề ''Phát triển kinh tế số và kinh tế sáng tạo, cách tiếp cận phát triển nguồn nhân lực thông qua sáng tạo và công nghệ từ thế hệ trẻ''. Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn DTT là diễn giả chia sẻ tại chương trình. Tham dự cuộc trò chuyện có TS. Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thừa Thiên Huế; Họa sĩ Phan Hải Bằng, Nhà sáng lập Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam; và hơn 20 bạn trẻ là chủ doanh nghiệp hoặc đang khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, công nghệ tại tỉnh TT- Huế. Sự kiện diễn ra tại Hue Innovation Hub (53 Nguyễn Huệ, Vĩnh Ninh, Tp. Huế).

𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐞̂́ 𝐒𝐚́𝐧𝐠 𝐭𝐚̣𝐨 𝐡𝐚𝐲 𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐞̂́ 𝐒𝐨̂́ đ𝐞̂̀𝐮 𝐭𝐚̣̂𝐩 𝐭𝐫𝐮𝐧𝐠 𝐯𝐚̀𝐨 𝐯𝐢𝐞̣̂𝐜 𝐛𝐢𝐞̂́𝐧 𝐭𝐚̂́𝐭 𝐜𝐚̉ 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 𝐠𝐢̀ 𝐜𝐨́ 𝐠𝐢𝐚́ 𝐭𝐫𝐢̣, đ𝐨̣̂𝐜 đ𝐚́𝐨, 𝐭𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐭𝐚̀𝐢 𝐬𝐚̉𝐧 đ𝐞̂̉ 𝐤𝐡𝐚𝐢 𝐭𝐡𝐚́𝐜

Thay mặt đơn vị tổ chức, TS. Cung Trọng Cường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế giới thiệu: “Tại sự kiện Hue Innovation Day 2019, Ông Nguyễn Thế Trung là một trong những chuyên gia đầu tiên gợi ý tỉnh Thừa Thiên Huế nên xem xét đưa “tầm nhìn” kinh tế số vào các chương trình trọng điểm, vừa thực hiện các nhiệm vụ ngắn hạn, vừa chuẩn bị cho kinh tế số. Sau ba năm, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn Công nghiệp Sáng tạo, Kinh tế Số, Kinh tế Xanh làm trọng tâm phát triển. Hiện mọi thứ dần đi vào quỹ đạo đã phần nào khẳng định những định hướng này là phù hợp. Bên cạnh đó, ông Trung còn là một doanh nhân tiên phong trong công nghiệp 4.0, và tập đoàn DTT do ông lãnh đạo cũng là đơn vị có nhiều đóng góp cho giáo dục STEM tại Việt Nam. Với những mối quan tâm này, nhân chuyến đi đến Huế, ông mong được trò chuyện với các bạn trẻ khởi nghiệp nhằm cùng nhau hiểu rõ hơn về kinh tế số, kinh tế sáng tạo, và nguồn nhân lực công nghệ – sáng tạo từ thế hệ trẻ tại Huế”.

Mở đầu cuộc trò chuyện, Ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ: “Tôi có duyên đến với Huế cũng nhờ sự liên hệ của TS. Cung Trọng Cường. Khi đó, tôi là thành viên của tổ chuyên gia Chuyển đổi số của Thủ tướng có nhiệm vụ nghiên cứu về kinh tế số cho Việt Nam nên khá bận rộn. Nhưng khi nghe thấy Huế cần, tôi đã thực hiện một chuyến khảo sát Cố đô và sau đó trình bày ý tưởng mà tôi nghĩ là đúng trong thời điểm đó. Tôi cũng thực sự ấn tượng với Huế vì sau ba năm quay lại thấy các góp ý của mình đã được mọi người ghi nhận và trở thành hiện thực. Ở Việt Nam, làm được như thế này không dễ. Kinh tế số là mảng rất rộng và bao trùm. Vậy nên hôm nay xin phép được trao đổi để tìm hiểu xem các bạn trẻ ở Huế đang làm gì trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ và văn hóa. Mặt khác, cuộc trò chuyện này cũng có thể xem như một cuộc khảo sát nhỏ, giúp tôi biết có thể đóng góp thêm gì cho Huế”.

Với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động, Ông Nguyễn Thế Trung nhận định: “Kinh tế số và Kinh tế sáng tạo không phải là điều gì đó quá lớn lao, tinh vi. Hai khái niệm này vừa có những sự khác biệt nhưng vẫn có sự giao thoa. Thực chất nền kinh tế sáng tạo vốn đã tồn tại từ lâu. Điển hình như, nước Anh và nước Úc định vị giáo dục là một ngành kinh tế sáng tạo; nhiều trường học ở hai quốc gia này đều là doanh nghiệp có giá trị hàng tỷ USD. Hoặc trường hợp chuột Mickey được xem là biểu tượng của kinh tế sáng tạo vì chỉ từ hình vẽ của một họa sĩ, chuột Mickey đã trở thành siêu phẩm sáng tạo, đem lại hàng chục tỷ USD tiền bản quyền cho hãng Walt Disney.

Việt Nam cũng có thể làm tương tự với những motip trang trí trên thổ cẩm. Tiếc là, vì chúng ta chưa thực hiện các biện pháp bảo hộ sở hữu trí tuệ nên nhiều hãng thời trang trên thế giới tự do khai thác. Hoặc một số motip sáng tạo rất hay của Nghệ thuật Trúc Chỉ cũng có thể làm tương tự. Tôi cho rằng, Kinh tế sáng tạo và Kinh tế số đều tập trung vào việc biến tất cả những gì có giá trị, độc đáo, thành tài sản để khai thác, trong thế giới hiện nay thì dữ liệu số, công nghệ số là loại tài sản mới. Cách thức thì thế giới đã làm nhiều rồi, hoặc có thể tham khảo từ hãng Wall Disney”.

𝐊𝐢𝐧𝐡 𝐭𝐞̂́ 𝐬𝐨̂́ 𝐜𝐨́ 𝐭𝐡𝐞̂̉ 𝐭𝐚̣𝐨 𝐫𝐚 𝐜𝐮𝐨̣̂𝐜 𝐜𝐚́𝐜𝐡 𝐦𝐚̣𝐧𝐠 𝐦𝐨̛́𝐢 𝐤𝐡𝐢 𝐬𝐮̛̉ 𝐝𝐮̣𝐧𝐠 𝐝𝐮̛̃ 𝐥𝐢𝐞̣̂𝐮 đ𝐞̂̉ đ𝐚́𝐩 𝐮̛́𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐮 𝐜𝐚̂̀𝐮 đ𝐚̃ đ𝐮̛𝐨̛̣𝐜 “𝐜𝐚́ 𝐭𝐡𝐞̂̉ 𝐡𝐨́𝐚” 𝐜𝐡𝐨 𝐦𝐨̂̃𝐢 𝐤𝐡𝐚́𝐜𝐡 𝐡𝐚̀𝐧𝐠

Khi được mời chia sẻ suy nghĩ về Kinh tế số, mỗi bạn trẻ tham gia chương trình lại có cách diễn giải khác nhau nhưng tựu trung đều đồng thuận về việc Kinh tế số sử dụng công nghệ Internet làm nền tảng để thay đổi cách vận hành, quản trị, bán hàng, giao dịch… phù hợp với các thói quen mua sắm của khách hàng đương đại.

Ông Nguyễn Thế Trung nhìn nhận: “Mỗi người đều nói đúng từ góc độ của mình tuy nhiên chúng ta có thể tiếp cận theo góc độ giá trị, công nghệ và nhu cầu. Tôi hình dung rằng, kinh tế là mối quan hệ giữa cung – cầu. Mô hình kinh tế tốt nhất có khả năng thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng hiệu quả nhất. Vì khi “cầu” nhiều “cung” ít tạo ra sự khan hiếm sẽ dẫn đến giá thành đắt đỏ, mà “cung” nhiều “cầu” ít, nhà sản xuất buộc phải bán với giá rẻ. Nếu chúng ta nhìn xuyên suốt các cuộc cách mạng công nghiệp từ 1.0 đến 4.0 sẽ thấy hầu như đều tác động đến khả năng cung ứng. Kinh tế số có thể tạo ra cuộc cách mạng mới khi sử dụng dữ liệu để đáp ứng nhu cầu đã được “cá thể hóa” cho mỗi khách hàng.

Ví dụ, về phía nhà sản xuất, một nghệ nhân Bát Tràng làm gốm thủ công, trong một khoảng thời gian nhất định chỉ tạo ra một chiếc cốc gốm; sau khi ứng dụng công nghệ tự động hóa, trong cùng một khoảng thời gian có thể sản xuất ra hàng triệu cái cốc có cùng chất lượng, mẫu mã. Đó là sự phát triển của công nghiệp. Nhưng nhu cầu sâu xa của người tiêu dùng là, nếu như trước đây mỗi người cần một cái cốc để uống nước thì bây giờ họ lại cần một cái cốc có thể cầm vừa tay mình. Vì vậy nếu nhà sản xuất có dữ liệu khách hàng, có thể sản xuất được những chiếc cốc mà mỗi khách hàng đều cảm thấy cầm vừa tay mình, đó là tính cá thể hóa. Cá thể hóa cũng là nhu cầu cao cấp nhất của con người vì ai cũng muốn có cái gì đó của riêng mình.

Một ví dụ cho thấy việc này đã khả thi, mỗi người đều có một tài khoản Facebook (Fb) riêng trên nền tảng mà hãng cung cấp. Tuy nhiên, trang Fb của mỗi người đều đã được cá thể hóa thông qua việc bạn thích đọc chủ đề gì Fb sẽ hiển thị cho bạn loại thông tin đó.

Công nghệ về dữ liệu là để trả lời câu hỏi “ai muốn cái gì”, từ đó có thể tạo ra sự đột phá khi cùng lúc vừa đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu người về số lượng hàng hóa, lại vừa đáp ứng được khát khao thầm kín của họ. Như vậy, chúng ta nên luôn tư duy rằng, Kinh tế số chắc chắn bao gồm mà không chỉ là Internet, E-commerce, 3D… mà là bất cứ cái gì có thể đóng góp vào câu chuyện tạo ra sản phẩm cho thế hệ này. Kinh tế số cho chúng ta cơ hội làm khác đi so với thế hệ trước. Và mỗi lĩnh vực sẽ có một cách thức phát triển kinh tế số khác nhau.
Công nghệ càng phát triển, con người càng đáp ứng được nhiều nhu cầu hơn. Môi trường số hóa tạo ra những chiều kích mới, những mô hình kinh doanh mới với nhiều người sản xuất hơn, nhiều người mua hơn, nhiều người bán hơn, giao tiếp hiệu quả hơn, phân phối nhanh chóng dễ dàng hơn, đồng thời tạo ra nhiều giá trị lợi ích hơn. Từ đó tạo ra nền Kinh tế số.

Điển hình như, kinh tế số trong chính phủ thường được gọi là chính phủ số chính là khi có việc gì cần thì chính phủ sử dụng dữ liệu để ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn, phù hợp hơn, đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Đối với giáo dục có thể là sự thay đổi về cách thức dạy và học mà thông qua việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục đã mở ra những cơ hội kinh tế mới. Nước Úc là một điển hình về sáng tạo trong giáo dục. Trước đây, muốn trải nghiệm nền giáo dục Úc phải qua nước Úc để du học, và cần đầu tư rất nhiều tiền. Nhưng nếu chỉ có cách làm như vậy thì một bộ phận người dân nào đó có cơ hội học tập vì họ có khả năng thanh toán thôi. Nên sau đó, nước Úc đã nghĩ đến việc tạo ra mô hình giáo dục linh hoạt theo nhu cầu bằng cách kết hợp với một vài trường tại Việt Nam. Học sinh được học chương trình giáo dục của Úc, nhận bằng do nước Úc cấp mà không cần phải đi vì hoạt động dạy và học online ở thời điểm hiện tại đã khá dễ dàng.

Đ𝐢𝐞̂̀𝐮 𝐪𝐮𝐚𝐧 𝐭𝐫𝐨̣𝐧𝐠 𝐧𝐡𝐚̂́𝐭 𝐜𝐮̉𝐚 𝐜𝐮𝐧𝐠 𝐜𝐚̂́𝐩 𝐝𝐢̣𝐜𝐡 𝐯𝐮̣ 𝐥𝐚̀ 𝐡𝐚̀𝐦 𝐥𝐮̛𝐨̛̣𝐧𝐠 𝐯𝐚̆𝐧 𝐡𝐨́𝐚 𝐜𝐡𝐮̛́𝐚 đ𝐮̛̣𝐧𝐠 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐭𝐮̛̀𝐧𝐠 𝐬𝐚̉𝐧 𝐩𝐡𝐚̂̉𝐦, 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 đ𝐨̣̂𝐧𝐠 𝐠𝐢𝐚𝐨 𝐭𝐢𝐞̂́𝐩 𝐯𝐨̛́𝐢 𝐤𝐡𝐚́𝐜𝐡 𝐡𝐚̀𝐧𝐠

* Hỏi: Công ty em chuyên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài tại Huế. Học viên thường đến đăng ký trực tiếp nên doanh nghiệp không có nhiều thông tin về khách hàng, và cũng chưa chú trọng việc hệ thống hóa dữ liệu mình có. Trong thời gian dịch Covid-19 hoành hoành làm ngưng trệ hoạt động xã hội, “cái khó ló cái khôn”, công ty đã sáng tạo ra ý tưởng dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài. Bọn em xây dựng website, học viên ở nước ngoài có thể đặt dịch vụ trực tiếp trên web. Và để tạo sự thu hút, học viên có thể đăng ký học thử miễn phí, chỉ cần khai báo thông tin cá nhân. Thông qua dữ liệu này, công ty biết được khách hàng của mình ở khắp nơi trên thế giới cũng như lý do các bạn muốn học Tiếng Việt. Tuy nhiên bọn em chưa chắc chắn rằng liệu những gì mình đang làm có phải là kinh tế số?

– 𝐎̂𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐓𝐡𝐞̂́ 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠: Tôi có một gợi ý rằng, từ dữ liệu mà công ty đã thu thập được, các bạn có thể trao đổi thêm với khách hàng những thông tin như: “Tôi thấy anh chị quan tâm đến Huế, tôi có thể gửi thông tin này cho công ty du lịch để họ tư vấn anh chị đến Huế du lịch và học Tiếng Việt trực tiếp hay không?”… Sau đó, các bạn có thể kết hợp với công ty lữ hành chuyên tổ chức chuyến đi đến Huế để bán dữ liệu này cho họ; hoặc mua dữ liệu của họ về nhóm khách hàng thích quay lại Huế nhiều lần và bán tiếp dịch vụ dạy tiếng Việt cho nhóm khách hàng này. Đó là giá trị của dữ liệu giúp tạo ra sự bùng nổ của kinh tế số mà chúng ta không cần phải trực tiếp qua Nam Phi để quảng cáo.

* Hỏi: Em thật sự băn khoăn rằng Kinh tế số liệu có thực sự cần thiết trong lĩnh vực Văn hóa Nghệ thuật. Cách đây 15 năm, muốn sản xuất một bài hát phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị nhưng hiện tại chỉ cần một chiếc điện thoại đã có thể quay dựng hoàn chỉnh một clip. Hay trong mảng công nghệ, chỉ cần bỏ vài ba triệu đã có một website để bán hàng. Cho nên thậm chí thì công nghệ số đã đến đoạn làm hại văn hóa, chẳng hạn những gì liên quan đến “số” đều làm tăng ô nhiễm môi trường?!

– 𝐎̂𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐓𝐡𝐞̂́ 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠: Bạn đề cập đến việc công nghệ số đang đến giai đoạn “làm hại” đối với lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật hơn là hấp dẫn như thời kỳ đầu. Thực tế thì, công nghệ số đã giúp ngành điện ảnh tạo ra những tác phẩm hay vượt bậc, và thú vị hơn. Phim “Em và Trịnh” là một ví dụ điển hình về ứng dụng công nghệ. Các nhà làm phim chỉ quay một cánh cửa nhưng khi chúng ta xem lại thấy cả một không gian rộng lớn. Công nghệ đã vượt qua giai đoạn dễ dàng để thử, và khi đi sâu vào ứng dụng thực sự có tính thúc đẩy rất lớn đối với các sản phẩm văn hóa.

Đơn cử như Nghệ thuật Trúc Chỉ, với những sáng tạo về nguyên liệu và kỹ thuật, từ các phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, lá cây, tre trúc, bèo… đã tạo những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, tạo ra dấu ấn lớn cho Mỹ thuật Huế. Từ văn phòng Quốc hội, văn phòng Chính phủ, một số UBND tỉnh, nhiều cơ quan công sở… đều chọn Trúc Chỉ làm điểm nhấn nội thất với những hàm ý văn hóa riêng. Và tôi thấy Trúc Chỉ đang rất thành công. Nhưng nếu một ngày nào đó, bên cạnh tính độc bản của các tác phẩm nghệ thuật, Trúc Chỉ đẩy mạnh đăng ký bản quyền thương hiệu, ứng dụng công nghệ in 3D để chế tác nhanh hơn, nhiều hơn những nghệ phẩm dành cho đại chúng, đảm bảo khả năng bán hàng triệu món đồ trên Amazon… sẽ tạo ra hoạt động kinh tế số hiệu quả. Một số lĩnh vực đặc trưng của văn hóa Huế khác như ẩm thực, may mặc, áo dài… nếu được bảo hộ sở hữu trí tuệ và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện thời sẽ tạo ra những giá trị lớn.

* Hỏi: Hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, công ty của em đang phát triển một ứng dụng với mong muốn đóng góp giải pháp kết nối cung cầu thuận lợi, đơn giản hỗ trợ doanh nghiệp/cá nhân kinh doanh đưa sản phẩm lên internet. Hiện nhóm đang tập trung hỗ trợ các đối tượng yếu thế về công nghệ như tiểu thương chợ truyền thống, người làm nghề đạp xích lô xe thồ, buôn bán nhỏ lẻ… Ứng dụng còn là một cầu nối tốt giữa người cần giúp đỡ và người có thể giúp khi xảy ra thiên tai lũ lụt. Nhưng thực tế đang gặp rất nhiều khó khăn từ đội ngũ công nghệ, chính sách của các chợ ứng dụng, thị trường … Mong nhận được sự tư vấn từ anh?

– 𝐎̂𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐓𝐡𝐞̂́ 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠: Tôi cũng từng biết đến ứng dụng của bạn. Trong thời gian chống dịch, hoạt động giao thương giảm thiểu tối đa nên nhu cầu này không lớn. Tôi nghĩ rằng các bạn nên tập trung cung cấp dịch vụ cho một nhóm cụ thể sẽ tốt hơn, ví dụ như bạn có thể sẽ thành công với nhóm tiểu thương. Bên cạnh đó, tôi đề xuất bạn kết nối thêm với ngành du lịch và các nhóm văn hóa. Tôi cho rằng du lịch văn hóa, du lịch Huế sẽ bùng nổ trong thời gian tới tuy nhiên tại thời điểm hiện tại còn nhiều hoạt động, lĩnh vực vẫn chưa kết nối được dễ dàng nên Du lịch – Văn hóa sẽ có thể là lĩnh vực tiềm năng, là cơ hội cho bạn.

* Hỏi: Theo anh thì chính phủ có nên cấm các hình thức như tiền mã hóa bitcoin, token?

– 𝐎̂𝐧𝐠 𝐍𝐠𝐮𝐲𝐞̂̃𝐧 𝐓𝐡𝐞̂́ 𝐓𝐫𝐮𝐧𝐠: Nếu đứng từ góc độ quản lý nhà nước, tôi cho rằng có thể chưa nên cho phép bitcoin lưu hành nhưng cần tập trung củng cố blockchain vì tôi có niềm tin vào giá trị công nghệ này. Tôi từng đi qua giai đoạn ‘dotcom’ những năm 2000, khi đó ai cũng muốn làm web. Và tôi biết điều này sẽ xảy ra chỉ là vào lúc nào mà thôi. Dân công nghệ luôn khao khát sản phẩm mới nên khi có blockchain thì họ lao vào đó.

Nền kinh tế số hiện nay thực chất có rất nhiều giao dịch không được bảo đảm. Ví dụ như khi bạn đăng một bài viết trên mạng xã hội nào đó, bài có thể bị thay một vài từ mà bạn không thể biết; hay ai đó có thể tấn công và hack tài khoản Facebook của bạn; bạn gửi email và nghĩ rằng sẽ được đảm bảo nhưng cũng có thể bị hack giữa đường, bị xóa… Blockchain có khả năng đảm bảo cho chúng ta ở mức độ cao hơn, tạo ra nhiều xu hướng mới, chúng ta có thể bán được nhiều hàng hóa hơn cũng như đi sâu hơn vào các giao dịch khác của kinh tế do các giao dịch được tự động bảo đảm. Blockchain vì thế sẽ có giai đoạn phát triển rực rỡ, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính.

Và cả trong Văn hóa, Nghệ thuật, ví dụ, một khi sử dụng công nghệ blockchain để xác nhận tác phẩm của họa sĩ Phan Hải Bằng là duy nhất trên toàn thế giới thì không còn ai có thể sao chép lậu tác phẩm của anh. Hoặc khi ứng dụng blockchain dễ dàng hơn, ví dụ như tích hợp vào máy in 3D, xác nhận máy đã in một tác phẩm vào thời điểm đó thì tác phẩm của anh ( dù được in ra từ máy) đã được định nghĩa là duy nhất và không còn ai có thể mua một bản sao lậu của nó. Hoặc khi blockchain được tích hợp vào bút gỗ, máy móc, không gian sản xuất hoặc sáng tạo và được cài đặt lưu dấu ‘origin’ sẽ tạo ra dấu ấn duy nhất trọn đời tác phẩm. Cho dù sau đó có chuyển đổi từ người này sang người khác thì nó cũng sẽ lưu lại được dấu vết này.

Tham dự cuộc trò chuyện từ đầu, 𝐇𝐨̣𝐚 𝐬𝐢̃ 𝐏𝐡𝐚𝐧 𝐇𝐚̉𝐢 𝐁𝐚̆̀𝐧𝐠, Nhà sáng lập Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam chia sẻ: “Sau khi tôi nghiên cứu và sáng tạo ra Trúc Chỉ thì đã chuyển giao công nghệ cho người trẻ để thành lập một doanh nghiệp riêng, cho phép họa sĩ thỏa sức sáng tạo. Bản thân tôi khi nghe đến Kinh tế số cũng thấy mâu thuẫn. Những tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi tính độc bản nhằm tạo ra giá trị riêng. Ban đầu, chúng tôi không thể chấp nhận được nếu họa sĩ trong dự án Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam thực hiện hai bức Trúc Chỉ giống nhau. Trong giới nghệ thuật, Họa sĩ Lê Bá Đảng là người sử dụng thuật ngữ “phiên bản giới hạn” khá nhiều. Những bức tranh của ông thuộc phiên bản giới hạn ít thì giá trị cao, phiên bản giới hạn nhiều sẽ rẻ. Rồi công nghệ số xuất hiện, chúng tôi cũng buộc phải thỏa hiệp dần đi. Thời đại này đòi hỏi như vậy và mình buộc phải tương thích với nó.

Nhưng đúng là công nghệ số cũng có những mặt trái của nó. Hiện có nhiều đơn vị làm Trúc Chỉ giả. Sau khi khách hàng sử dụng rồi lại tìm đến Nghệ thuật Trúc Chỉ gốc của chúng tôi. Và để tạo ra giá trị lâu dài về sau, chúng tôi xây dựng một thiết chế không gian với các bài trí hàm chứa triết lý phát triển Trúc Chỉ để xây dựng một giá trị văn hóa. Trước đây có nhà báo hỏi tôi “vì sao Việt Nam đã có sơn dầu, sơn mài, anh còn làm Trúc Chỉ làm gì”. Mình trả lời, làm Trúc Chỉ để xây dựng một giá trị văn hóa mới cho Huế. Sau này người ta đến Huế, ngoài chùa Thiên Mụ, bánh bèo nậm lọc còn có Trúc Chỉ. Và đến Việt Nam, ngoài giấy Dó còn có Trúc Chỉ. Chuyện cộng hưởng là điều hết sức quan trọng để sống còn và xây dựng một giá trị văn hóa, nếu đơn độc một mình rất khó. Nhưng tôi cho rằng, dù chúng ta cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế gì chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là hàm lượng văn hóa chứa đựng trong từng sản phẩm, hành động giao tiếp với khách hàng từ những điều nhỏ nhặt nhất. Văn hóa chẳng qua cũng chỉ gói gọn trong một câu xin lỗi và cảm ơn là đủ”.

Trước khi kết thúc chương trình, Ông Nguyễn Thế Trung chia sẻ: “Nhiều người quan niệm nhà công nghệ và nhà văn hóa khó nói chuyện với nhau vì nhiều người nghĩ người làm văn hóa không hiểu công nghệ, hoặc vấn đề độc bản không thích ứng với việc ứng dụng công nghệ… Vấn đề chỉ là chờ thời gian để tìm ra cách kết nối mà thôi, ví dụ như tìm ra “next Google”, “next Amazon”…”.

Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *